Note 1: Lapbook Là Gì?

Lapbook là một dạng thư mục lưu trữ thông tin về một chủ đề. Những thông tin trong lapbook thường được trình bày bắt mắt, thu hút, liên kết với nhau. Thông tin đó có thể là hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ, các thông tin được tóm tắt ngắn gọn hoặc gạch đầu dòng. Tất cả đều được sắp xếp một cách hợp lý, khoa học và sáng tạo trong một khoảng không gian nhỏ.

 

Hình thức của lapbook

Thông thường lapbook được làm từ một bìa giấy (khổ 31x24cm) trải phẳng, sau đó gấp làm ba mặt (như minh hoạ dưới đây). Mình thường mua loại bìa này trên Tiki, đính kèm ở đây để các bạn dễ hình dung nhé. Sở dĩ gấp làm ba vì như vậy sẽ đảm bảo tính thẩm mỹ, tiện dụng cho lưu trữ và tìm lại thông tin.

Bạn cũng có thể dùng 2 tờ bìa cứng A4 để tạo khung cho lapbook. Tham khảo hướng dẫn tại đây.

 

Công dụng của lapbook

Lapbook là một công cụ tuyệt vời để tổng hợp và tóm tắt lại kiến thức, thông tin về một chủ đề bạn vừa tìm hiểu theo cách thức sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân. Nó cũng đòi hỏi kĩ năng chọn lọc và sắp xếp thông tin của bạn sao cho khoa học và rõ ràng nhất.

Ví dụ, chủ đề mà bạn/học sinh bạn tìm hiểu hoặc thảo luận cùng nhau gần đây là “Plants” (Thưc vật), và bạn hoặc học sinh của bạn muốn tổng hợp các kiến thức từ những cuốn sách và tài liệu bạn đã đọc được về Thực vật một cách khoa học và sáng tạo, sao cho mình muốn lấy tệp thông tin đó ra xem đi xem lại nhiều lần và mỗi lần xem thì có thể nắm bắt được kiến thức đã đọc về Thực vật nhanh chóng. Thế thì phải làm cách nào? Bạn có thể đánh dấu những kiến thức cần nhớ trong những quyển sách bằng cách dùng bút Highlight hoặc gạch chân dưới một số câu, từ, cụm từ được xem là ‘Từ khóa’ (KeyWords) , sau đó lôi một quyển sổ ra và bắt đầu gạch đầu dòng, ghi chép lại những câu, cụm từ đó. Thật ra, đó là cách thức truyền thống để tổng hợp và cô đọng lại thông tin và dĩ nhiên mình không phủ nhận là nó có ích. Nhưng nếu chủ đề nào cũng làm như vậy thì đôi khi sẽ buồn chán lắm đấy – nhất là với những bạn trẻ thích sự sáng tạo và dễ cảm thấy nản chí khi phải lật giở một quyển sổ với tập ghi chú chi chít những từ, cụm từ, câu cú chồng chéo…

​Nếu có một cách thức tổng hợp kiến thức nào khác, như là, với mục “Cây cối cần gì để sống?”, thay vì 4 cái gạch đầu dòng trong sổ kiểu “-Nước”, “-Không khí”, “-Đất”. “-Ánh mặt trời”, ta có thể làm một mô hình cái cây bằng giấy, trong đó 4 điều kiện “Nước” – “Không khí” – “Đất” – “Ánh mặt trời” được ghi chú và dán ẩn giấu sau tán lá của cái cây ấy (Xem hình dưới)

Bạn có thấy thú vị hơn không? Nếu những mục khác trong chủ đề “Plants” cũng được tóm tắt và thể hiện một cách sáng tạo như thế, như “Photosynthesis”, “Plant Kingdom”, “Parts of a plant”…v.v…và tất cả đều có thể được chứa một cách gọn ghẽ và sắp xếp khoa học trong một tập hồ sơ bằng giấy mỏng chỉ vỏn vẹn ba hoặc bốn mặt thì có khả thi không? Câu trả lời là “Có”, và nó gói gọn trong một công cụ mang tên “Lapbook”.

Lapbook , nói theo cách khác, chính là một không gian chứa đựng thông tin có đặc tính tương tác với người sử dụng một cách sinh động, trong đó các kiến thức cần được tổng kết sẽ được thể hiện dưới cách thức phù hợp và sáng tạo nhất tùy theo cá tính của người làm. Đó là một dạng scrapbook đơn giản được tạo ra nhằm mục đích hệ thống lại thông tin bài học theo từng chủ đề (educational scrapbook).

Mỗi lapbook sẽ chứa đựng những mục khác nhau xoay quanh một chủ đề nhất định. Với ví dụ về chủ đề “Plants”, mình có thể tạo ra một Lapbook trong đó ba mặt giấy sẽ là những hình ảnh, “thư mục” với các mục kiến thức nhỏ hơn về “Plants” như “What is a plant?”, “Plant Kingdom”, “Plants Need”… Bao nhiêu mục kiến thức thì tùy vào mỗi người. Chỉ đơn giản như thế và bạn đã có một cách thức tổng hợp kiến thức một cách sáng tạo và thú vị.

 

Ai có thể dùng lapbook?

Lapbook có thể được tạo ra và sử dụng bởi bất kì người nào ở bất kì độ tuổi nào. Lapbook có thể là công cụ chứa đựng và tổng hợp kiến thức cho bất kì chủ đề (Unit Study) nào. Bạn có thể sử dụng nó để lưu trữ tất cả những gì bạn biết về Chiến tranh thế giới lần thứ hai, về các loài côn trùng, về Hai Bà Trưng, về nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, về thì Hiện tại đơn, về Hệ mặt trời, về Chó, về Bikini, về Bánh xèo hay Bánh bèo…về tất tần tật các thứ vô thiên lủng khác miễn là bạn muốn tổng hợp kiến thức và lưu trữ chúng sao cho thật khoa học và thú vị. Lapbook có thể sử dụng cho tất cả các môn học.

Với mình, lapbook là một công cụ giáo dục với mục đích hỗ trợ việc tổng hợp và hệ thống lại thông tin khá hiệu quả, và dĩ nhiên, hấp dẫn. Nó là một cách chơi đùa với việc sử dụng các kĩ năng trong việc thực hành thủ công (Craft) và lựa chọn, sắp xếp thông tin sao cho cô đọng và khoa học. Nó giống như một cuốn sách của riêng bản thân bạn, lưu trữ những kiến thức bạn cần tham khảo lại, hoặc những kiến thức bạn muốn tóm gọn lại cho người khác sau một chủ đề bạn đã truyền tải, sao cho dễ theo dõi và đầy màu sắc nhằm phục vụ mục đích cuối cùng “Ghi nhớ lâu”. Lapbook là một công cụ giảng dạy và tự học hiệu quả và thú vị.

Mặt khác, với mình, mỗi một Lapbook sẽ thể hiện rất rõ cá tính và cách hiểu cũng như cách cô đọng kiến thức của từng cá nhân. Với một chủ đề “Thực vật”, và một mục “Thực vật cần gì để sống”, mười người sẽ là mười cách thể hiện thông tin này khác nhau: Cách mô tả nó sang dạng hình ảnh/mô hình khác nhau, cách sử dụng màu sắc khác nhau, cách sắp xếp thông tin khác nhau…Không có bất kì một mẫu thức chung nào cho một Lapbook. Hơn nữa, với trải nghiệm cá nhân, việc cùng tạo ra một Lapbook với học sinh của mình đã cho mình nhiều khoảnh khắc sáng tạo đầy hứng thú. Nó khiến cho việc ghi nhớ bài học của lũ trẻ trở nên khoa học và không nhàm chán. Mỗi một Lapbook trở thành một kho báu nho nhỏ của riêng chúng, vì chúng đã phải tự tổng hợp kiến thức đã được học, tự nghĩ cách thể hiện kiến thức đó sang dạng mô hình/hình ảnh như thế nào và sắp xếp làm sao cho hợp lý…Chúng đã tự tạo ra các “quyển sách” nhỏ cho riêng mình.

Làm một Lapbook không hề phức tạp. Đặc biệt, mình nghĩ rằng việc hướng dẫn các bạn nhỏ cách tạo ra một Lapbook sẽ thậm chí giúp các bài học ở trường của chúng trở nên sinh động hơn và cô đọng hơn. Vấn đề còn lại chỉ đơn giản là bạn phải trả lời ba câu hỏi:

  • Bạn có sẵn sàng dành thời gian để thực hiện cách thức lưu trữ thông tin kiểu này? (Chắc chắn là nó sẽ mất thời gian hơn việc bạn gạch đầu dòng và hí hoáy ghi chú thông tin trong một cuốn sổ)
  • Bạn có đủ các công cụ tối thiểu cần thiết cho việc tạo ra một Lapbook?
  • Các bước căn bản nhất trong việc tạo ra một Lapbook là gì?


Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *