Note 3: 10 Cách Phổ Biến Để Làm Mục Lưu Trữ

Các thông tin trong một lapbook có thể được chia ra thành các phần nhỏ và trình bày trong từng mục lưu trữ. Những mục lưu trữ này thường được làm riêng, sau đó dán vào lapbook.

Có nhiều hình thức để tạo hình một mục lưu trữ. Tuỳ theo nội dung thông tin mà mình chọn hình thức phù hợp. Dưới đây là một số template phổ biến.

 

1. Template dạng túi (pocket template)

Template dạng túi này có thể xem là một trong những phương tiện lưu trữ phổ biến và dễ sử dụng nhất trong lapbook. Bạn dùng chúng để đựng các thẻ từ vựng, các thông tin ngắn (fun facts), bản đồ…Nói chung, để dễ hình dung, các bạn cứ tưởng tượng Template này sẽ giúp bạn đựng tất cả những gì bạn cần lưu trữ trong một cái túi.

​Có rất nhiều template dạng túi với các kích thước và hình dạng khác nhau. Ví dụ, với chủ đề “Mùa” (Seasons), các bạn có thể dùng template túi dạng nón (cone pocket) để diễn tả.

2. Template hình các vật thể

Template dạng này khá thú vị. Bạn cứ hình dung nó như một quyển lịch hay quyển sổ nhỏ vậy. Bạn có thể dùng để ghi chú một số kiến thức về chủ đề mà bạn đang làm trong đó, đặc biệt có thể dùng khi muốn thể hiện các thông tin chính như sự thật thú vị (Fun Facts), hệ thống từ vựng (Vocabulary) hoặc các câu chuyện liên quan đến chủ đề (Stories). Mình thường dùng template dạng này để trình bày các từ vựng. Tùy theo chủ đề của lapbook mà bạn tha hồ tạo ra các “Shape book” có hình dạng và màu sắc khác nhau.

3. Template bao diêm (matchbook template)

Dạng template này đặc biệt được sử dụng cho lapbook theo các chủ đề khoa học, nhất là khi bạn muốn thể hiện thông tin dưới dạng đặt câu hỏi ở phần bìa và các câu trả lời sẽ được giấu ở bên dưới phần bìa. Bạn có thể tham khảo thêm hình bên cạnh để dễ hình dung hơn.

Một số dạng Matchbook cơ bản là matchbook mỏng, matchbook dùng cho việc so sánh hoặc tương phản, matchbook 4 mặt, matchbook 9 mặt…

4. Template gấp ba (tri-fold template)

Dạng template này thường được sử dụng để lưu lại các “sự thật vui” (fun facts), hoặc các bước hướng dẫn làm một hoạt động hoặc mô tả một hiện tượng nào đó. Có nhiều cách để gấp template tri-fold, bạn có thể gấp theo dạng gấp quạt (zig zag fold) hoặc gấp ba mặt úp vào nhau.

Hãy sử dụng những hình dạng khác nhau tùy theo bạn nhé, có thể là hình thoi, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn v.v…

5. Template cánh hoa

Với dạng template này, bạn sẽ dễ thể hiện các sơ đồ, đặc biệt là các phương trình hóa học, hoặc các chuỗi chuyển hóa, hoặc các tổ hợp từ vựng/ khái niệm trong đó từ vựng/ khái niệm chính sẽ thường nằm ở giữa và các từ vựng/ khái niệm liên quan sẽ nằm ở các “cánh hoa”.

Có rất nhiều dạng template “cánh hoa” khác nhau, trong đó các dạng cơ bản là template dạng hình năm góc, sáu góc, hình tam giác lớn, hình tam giác nhỏ, hoặc hình chữ nhật…

6. Template dạng quạt (fantag book template)

Fantag book là dạng template có thể hình dung như một tệp các tài liệu được đóng lại thành tập, dùng để trình bày các sự thật vui (fun facts), các bảng xếp hạng theo thứ tự (top ten), hoặc các từ vựng/khái niệm được xếp theo thứ tự nhất định (Ví dụ 12 tháng: Tháng 1, tháng 2, tháng 3…; hoặc các thứ, ví dụ: Thứ hai, thứ ba, thứ tư…).

7. Template dạng gấp đôi ​(book-fold template)

Template dạng gấp đôi này thường được dùng để thể hiện các từ vựng/ khái niệm và định nghĩa/ ghi chú của các từ vựng/ khái niệm đó. Ví dụ, nếu mình muốn diễn tả khái niệm “Sao Thổ” (Saturn), mình sẽ viết chữ” Sao thổ” ở mặt ngoài của template hoặc dán hình ảnh sao Thổ ở mặt ngoài và mặt thứ hai, ẩn dưới, sẽ dành cho việc định nghĩa hoặc ghi chú thêm về khái niệm “Sao thổ” (chẳng hạn như “Sao Thổ là hành tinh thứ sáu tính theo khoảng cách trung bình từ Mặt Trời và là hành tinh lớn thứ hai về đường kính cũng như khối lượng” ). Hình dạng của template này cũng khá đơn giản, có thể là hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình cầu, hình tròn, hình lục giác, hình bát giác…

8. Template bánh xe (wheel template)

Template này là một công cụ rất hay ho để thể hiện từng bước trong một chuỗi quá trình nào đó, ví dụ như là vòng đời của một con bướm, sự lớn lên của một cái cây, sự tạo thành và bốc hơi của nước v.v… Template bánh xe thường được cấu tạo bởi hai phần, phần đế và phần nắp dùng để che kín thông tin được đính trong phần đế, và có một phần trống được tạo ra trên nắp để thể hiện phần thông tin đang được nhắc đến. Một loại template bánh xe cơ bản khác sẽ trông giống như vòng quay xổ số may mắn, thường được đính kèm theo đó là một mũi tên.

9. Template dạng lật (flipbook template)

Flipbook là một template đơn giản, chỉ cần các mẩu giấy cùng một kích cỡ, dán chồng lên nhau và chừa ra một phần lề để viết đề mục. Template dạng lật phù hợp để trình bày các nội dung cần phân loại, có đề mục rõ ràng.

10. Template hình nổi (pop-up template)

Template dạng này là những hình nổi theo dạng 3D. Đây là dạng template được ứng dụng rất nhiều trong việc minh họa cho sách, thiệp, post card…và dĩ nhiên chúng ta có thể ứng dụng nó cho lapbook. Lưu ý nho nhỏ là khi ứng dụng dạng template pop – up này để lưu trữ thông tin thì bạn nên cố gắng làm nó một cách đơn giản thôi vì nó sẽ ngốn của bạn kha khá thời gian đấy!



Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *